MỘT SỐ CHÚ Ý KHI SỬ DỤNG VÔI CHO CÂY TRỒNG

Trong những năm gần đây, biến đổi khí hậu xảy ra thường xuyên và có ảnh hưởng rất lớn tới môi trường đất. Tập quán sử dụng phân bón chưa đúng của nông dân cũng làm cho đất trồng ngày càng bị thoái hóa. Ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, hiện tượng xâm nhập mặn, phèn mặn có xu hướng tăng hàng năm. Trên khu vực miền Đông và Tây Nguyên, việc ít sử dụng phân bón hữu cơ, bón dư thừa lưu huỳnh (từ việc bón nhiều SA và 16-16-8+13S) làm cho đất bị chua, xói mòn,..
Khi môi trường đất không thuận lợi, bộ rễ cây không phát triển được, quá trình hút dinh dưỡng gặp khó khăn, vừa làm giảm năng suất, chất lượng cây trồng, vừa gây ra sự lãng phí phân bón và ô nhiễm môi trường. Khi đất bị nhiễm phèn, bà con thường sử dụng vôi để bón vào đất nhằm cải thiện độ pH. Việc bón vôi vào đất mang lại nhiều tác dụng tốt cho cây trồng (cải thiện độ pH, khử một số loại mầm bệnh,…), tuy nhiên cũng mang lại không ít “bất lợi” cho quá trình sinh trưởng, phát triển của cây trồng và đất trồng.

1. Một số lợi ích khi bón vôi cho cây trồng:

– Cung cấp Canxi cho cây trồng
Thành phần chính của vôi là Canxi, Canxi cũng là một yếu tố dinh dưỡng trung lượng cho cây trồng, giúp cây cứng cáp, tăng sức đề kháng và hạn chế rụng trái non.
– Khử chua cho đất
Canxi có tác dụng cải thiện độ chua cho đất, tạo môi trường pH thuận lợi cho rễ cây hút dinh dưỡng.
– Ức chế sự phát triển của nấm bệnh
Canxi còn có tác dụng khử được một số bào tử nấm hại gây bệnh.
2. Một số tác hại của việc bón vôi không đúng cách:
– Giảm bớt sự đa dạng sinh học trong đất
Bón nhiều và thường xuyên vôi sẽ làm giảm sự đa dạng sinh vật trong đất, thể hiện rõ nhất là đất bón nhiều vôi sẽ làm giảm số lượng trùn đất – một tác nhân có lợi trong đất.
– Làm chai đất
CaO trong vôi sẽ kết hợp với gốc axit tồn dư trong đất tạo thành các chất kết tủa, làm đất chai cứng, hạn chế sự phát triển của bộ rễ.
– Gây thất thoát phân bón
Khi bón vôi gần với bón phân sẽ làm mất đạm do bị bay hơi dạng khí amoniac.
3. Một số chú ý trong việc sử dụng vôi cho cây trồng:
– Hạn chế sử dụng vôi, trong trường hợp cần thiết phải sử dụng vôi thì nên bón trước hoặc sau khi bón phân khoáng 20 ngày, 2-3 năm mới bón 1 lần.
– Bón bổ sung phân hữu cơ định kỳ 1 lần/năm để không cần phải bón vôi.
– Hạn chế bón đơn và những loại phân có nhiều lưu huỳnh để không làm chua đất.

Cử nhân Hóa học Nguyễn Đức Thủy – Giám đốc Sản xuất, Công ty Cổ phần Phân bón Ánh Dương

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.