Các yếu tố dinh dưỡng trong phân bón (tt1)

VAI TRÒ CHÍNH CỦA CÁC YẾU TỐ DINH DƯỠNG TRONG PHÂN BÓN ĐỐI VỚI CÂY TRỒNG

1. ĐẠM (N)

  • Đạm giữ vai trò quan trọng đối với việc hình thành các bộ phận của cây, thúc đẩy nhanh quá trình đẻ nhánh, nẩy chồi và cần thiết cho sự sinh trưởng và phát triển thân lá, nuôi quả, nuôi hạt.
  • Thiếu Đạm, cây sinh trưởng còi cọc, trên lá già xuất hiện màu xanh lợt đến vàng nhạt, bắt đầu từ chóp lá, tiếp đó bị chết hoặc rụng tùy mức độ thiếu.
  • Nếu thừa Đạm cây thường có màu canh sẫm, lá nhiều nhưng số rễ hạn chế, rễ phát triển kém, dễ bị đổ ngã, dễ nhiễm sâu bệnh, quá trình tích lũy về củ và quả kém.

2. LÂN (P205)

  • Lân tạo nên nhiều hợp chất hữu cơ quan trọng nên giúp tăng tính chịu lạnh của cây trồng. Nó thúc đẩy sự phát triển của bộ rễ.
  • Lân thúc đẩy mô phân sinh phân chia nhanh, tạo điều kiện cho cây trồng phát dục (ra hoa) thuận lợi, ra hoa sớm. Lân giúp quá trình vận chuyển các hợp chất đồng hóa về cơ quan dự trữ được thuận lợi. Vì vậy, nó giúp lúa chín sớm, hạt mẩy, cây ăn quả mẫu mã đẹp, tăng chất lượng trái, thúc đẩy sự tổng hợp đường, tinh bột,…
  • Thiếu Lân, cây còi cọc, lá trưởng thành có màu xanh thẫm đến lục lam, rễ bị kìm hãm. Thiếu Lân trầm trọng, lá có vết tím, thân mảnh, chín chậm, hạt và quả phát triển kém.
  • Cây bị ngộ độc Lân sẽ bị chết khô, đen đầu lá, chuyển màu ở lá non và xuất hiện vết nứt gãy ở lá già.

3. KALI (K2O)

  • Kali giúp cây trồng quang hợp tốt, thúc đẩy hình thành lignin, xellulo làm cây trồng cứng cáp, chống chịu tốt hơn với sâu bệnh hại. Nó làm tăng tỉ lệ hạt chắc, hạn chế rụng quả, tăng độ lớn của quả, củ, tăng năng suất, độ ngọt và chất lượng nông sản.
  • Thiếu Kali cây bị úa vàng dọc mép lá, chóp lá chuyển màu nâu. Các triệu chứng lan dần vào phía trong, từ chóp lá trở xuống. Cây phát triển chậm, còi cọc, thân yếu dễ bị đổ ngã, chống chịu kém.

4. CANXI (Ca)

  • Canxi tham gia cấu tạo vách tế bào thực vật, Thiếu Canxi sẽ dấn đến hiện tượng gãy những phần chóp hoặc chồi non.
  • Triệu chứng thiếu Canxi thường thấy qua hình dạng xiêu vẹo của tán lá với đầu lá cuốn lại, mép lá cuộn cong, lá có hình đài hoa và quăn, các chồi tận cùng suy thoái. Các lá non của cây mới trồng bị biến dạng và có màu xanh lục sẫm không bình thường. Những đốm nâu hoặc đốm thâm cũng biểu hiện ra triệu chứng thiếu Canxi. Sinh trưởng của rễ bị suy yếu, cổ rễ thường gãy. Chồi hoa rụng sớm, thân yếu. Hiện tượng thiếu Canxi thường xảy ra nơi ở đất bị chua, thường là nơi thừa Mg và Al.

5. LƯU HUỲNH (S)

  • Lưu huỳnh là thành phần cấu tạo trong protein và dầu thực vật.
  • Triệu chứng thiếu Lưu huỳnh tương tự như những triệu chứng thiếu N. Tình trạng thiếu Lưu huỳnh xảy ra làm ngăn cản sự phát triển kích thước của lá hoặc mép lá cuộn tròn lại. Các lá non trở nên xanh vàng nhẹ hoặc vàng lợt. Sinh trưởng của chồi bị hạn chế, ảnh hưởng đến số hoa. Thân cứng, hóa gỗ sớm và đường kính thân nhỏ.
  • Tuy nhiên tình trạng thiếu Lưu huỳnh hiếm khi xảy ra vì lượng Lưu huỳnh chiếm nhiều ở thành phần muối sulfua hay sulphate trong phân bón hỗn hợp, trong nguyên liệu hữu cơ, trong không khí,…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.